Nếu người mua đất muốn phá căn nhà tình nghĩa đó để xây nhà khác thì có được không?
Việc mua bán, chuyển nhượng và sử dụng nhà tình nghĩa được pháp luật quy định thế nào? Xin được tư vấn và cảm ơn.
Độc giả Tiến Bắc
Luật sư tư vấn:
Trên phương diện pháp lý, việc tổ chức, cá nhân xây nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, người già không nơi nương tựa... là giao dịch dân sự tặng cho tài sản (căn nhà) mà thông thường không kèm theo bất kỳ điều kiện nào từ phía người nhận.
Hiện tại, pháp luật cũng không có quy định nào hạn chế hay ngăn cấm người nhận nhà tình nghĩa chuyển nhượng cho người khác, bất luận trong khoảng thời gian nào kể từ ngày nhận nhà.
Tuy nhiên, căn nhà thì luôn gắn liền với quyền sử dụng đất nên khi chuyển nhượng căn nhà đồng nghĩa có chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do vậy, thửa đất mà ngôi nhà tọa lạc phải thỏa mãn các điều kiện được phép chuyển nhượng.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai năm 2023, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của tòa án, quyết định hoặc phán quyết của trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
d) Trong thời hạn sử dụng đất;
đ) Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trường hợp thửa đất của ông bà bạn thỏa mãn các quy định nói trên thì được chuyển nhượng nhà tình nghĩa gắn liền với quyền sử dụng đất cho người khác.
Sau khi nhận chuyển nhượng, người mua là chủ sở hữu căn nhà nên họ có toàn quyền định đoạt, phá dỡ để xây nhà mới. Trong trường hợp này, gia đình ông bà của bạn sẽ không bị phiền toái hay liên lụy gì đến pháp luật.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội
Nguồn: https://vnexpress.net/nha-tinh-nghia-co-duoc-chuyen-nhuong-4819862-p2.html